Trang chủ / Blog / Vibrio parahaemolyticus và Bệnh EMS/AHPND: Điều Bạn Cần Biết

Vibrio parahaemolyticus và Bệnh EMS/AHPND: Điều Bạn Cần Biết


Vibrio parahaemolyticus và Bệnh EMS/AHPND: Điều Bạn Cần Biết

Trước đây, bạn có thể đã nghe đến cái tên Vibrio parahaemolyticus – loại vi khuẩn gây ra bệnh EMS/AHPND, một mối đe dọa lớn trong ngành nuôi tôm. Nhưng cụ thể thì Vibrio parahaemolyticus là đã làm gì và tại sao nó lại nguy hiểm đến vậy?

Thủ phạm gây tổn thất nặng nề

Vibrio parahaemolyticus sản xuất độc tố phá hủy cấu trúc mô gan tụy của tôm. Theo nghiên cứu của Loc Tran và cộng sự (2013), độc tố này gây tổn thương nghiêm trọng, làm tăng tỷ lệ tử vong và giảm năng suất nuôi trồng. Không chỉ vậy, các chủng Vibrio khác cũng đã được xác nhận liên quan đến sự bùng phát của EMS/AHPND.

Chitin – "Kẻ trợ lực" không ngờ đến

Theo nghiên cứu của Carrillo-Méndez et al. (2019), độc tố PirA và PirB – thủ phạm chính gây EMS/AHPND – được mã hóa trên plasmid pVA1. Plasmid này có thể truyền ngang giữa các loài Vibrio thông qua cơ chế chuyển gen tự nhiên. Thật không may, chitin – thành phần cấu tạo chính của vỏ tôm – lại đóng vai trò như "chất xúc tác", thúc đẩy quá trình lây lan này.

Ngay cả những chủng Vibrio parahaemolyticus không mang plasmid pVA1 ban đầu cũng có thể "mượn" plasmid từ các chủng khác, biến thành vi khuẩn gây bệnh. Điều này càng làm vấn đề trở nên phức tạp, đặc biệt khi hiện tượng gan tụy thủy tinh (TPD) cũng được ghi nhận từ Vibrio parahaemolyticus và sau đó lan sang các chủng Vibrio khác.

Chưa dừng lại ở đó, Vibrio parahaemolyticus còn mang plasmid chứa gen kháng nhiều loại kháng sinh, như pTetB-VA1pVP52-1. Những plasmid này không chỉ lan sang các loài Vibrio khác mà còn sang cả vi khuẩn không thuộc dòng họ Vibrio. Khi điều này xảy ra, kháng sinh gần như mất tác dụng, và việc dùng kháng sinh chỉ khiến Vibrio ngày càng mạnh hơn. Điều này giống như chúng ta đang "huấn luyện", tạo điều kiện cho Vibrio tiến hóa nhanh chóng, trở nên kháng thuốc hơn.

Không phải là không có hy vọng! Thực khuẩn thể (bacteriophage) đang được coi là giải pháp đột phá để kiểm soát Vibrio.

  • Đầu tiên là mục tiêu chính xác: Thực khuẩn thể tiêu diệt Vibrio mà không làm hại hệ vi sinh vật có lợi.
  • Thứ hai xử lý Vibrio kháng thuốc: Ngay cả khi Vibrio đã kháng kháng sinh, thực khuẩn thể vẫn có thể tiêu diệt chúng.
  • Và tăng hiệu quả kháng sinh: Trong các trường hợp khẩn cấp, cần dung kháng sinh, việc kết hợp thêm thực khuẩn thể sẽ nâng cao hiệu quả điều trị. Kháng sinh xử lý vi khuẩn nhạy cảm, còn thực khuẩn thể "lo" các vi khuẩn kháng thuốc.

Kết luận

Hiểu rõ cơ chế gây bệnh và sự kháng kháng sinh của Vibrio parahaemolyticus là bước đầu tiên để kiểm soát hiệu quả mối đe dọa này. Kết hợp các giải pháp sinh học như thực khuẩn thể với quản lý môi trường chặt chẽ sẽ giúp ngành nuôi tôm vượt qua thách thức, đảm bảo bền vững trong tương lai.

Hy vọng rằng những tiến bộ trong nghiên cứu sẽ giúp ngành nuôi trồng thủy sản đối phó tốt hơn với những thách thức mà Vibrio mang lại!
BIOLIFE - Công ty hàng đầu về nhập khẩu và phân phối các sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Vibrio Parahaemolyticus và Bệnh EMS/AHPND: Hiểm Họa và Giải Pháp Trong Nuôi Tôm